Chuyển đến nội dung chính

NHỮNG CÂU CHUYỆN BUỒN


NHỮNG CÂU CHUYỆN BUỒN
9/11/2010

Coi việc mua vàng để dành là hành động chỉ dành cho các ông bà già cổ lỗ sỉ, nhiều chuyên gia tài chính có kinh nghiệm đang khốn khổ với mớ cổ phiếu đang trên đà tuột dốc.
 Trong phiên giao dịch sáng 9/11, nhóm môi giới VIP tại một công ty chứng khoán tại Hà Nội ngồi túm tụm đọc báo mạng về diễn biến của giá vàng.
Giá của nhiều cổ phiếu tụt dốc, thị trường giao dịch ảm đạm, khách VIP thậm chí chẳng buồn đến công ty nên phần lớn nhân viên “ngồi chơi xơi nước” và lướt web cho vui trong giờ giao dịch.
Khi báo đăng tin giá vàng vượt 37 triệu đồng một lượng, Tuấn – một môi giới VIP suýt xoa vì tiếc rẻ. Anh này tâm sự: “Tuần trước mình đã định rút tiền ra mua vàng rồi nhưng cứ nghĩ là thị trường chứng khoán chạm đáy rồi, đánh một quả lớn để chờ thời. Nào ngờ giá thì tiếp tục giảm mà vàng thì cứ tăng điên loạn”.
Thời điểm giá vọt lên trên 38,2 triệu đồng, toàn bộ nhóm môi giới này rú lên ầm ĩ khiến nhiều nhân viên ở bộ phận khác trong công ty cũng giật mình.
Chị Hằng, kế toán công ty này than: “Nếu mình bỏ tiền vào mua vàng thì giờ đây đã kiếm được mớ tiền to chứ không phải ôm mớ cổ phiếu của nợ và còn thêm cả món tiền vay của công ty”.
Không túm tụm ầm ĩ như nhóm môi giới VIP của công ty chứng khoán nói trên, chị Lê – nhân viên một công ty chứng khoán cỡ vừa tại Hà Nội, thì lẳng lặng xem tin về giá vàng rồi lặng người đi vì tiếc. Vào giữa năm, chị Lê bàn với chồng dành một số tiền để mua vàng vì thấy xu hướng giá còn tăng.
Tuy nhiên, anh chồng cho rằng đầu tư vào cổ phiếu vào thời điểm đó là cơ hội lớn bởi giá của nhiều mã chứng khoán cực thấp. Bỏ qua cơ hội đầu tư vào vàng, chị dốc gần như toàn bộ số tiền dành dụm mua cổ phiếu. Cho đến khi xem tin giá vàng tăng phi mã, vượt qua ngưỡng 38,2 triệu đồng, dù khoản đầu tư cổ phiếu cũng không lỗ nhưng chị Lê cứ tiếc hùi hụi vì đã không mua vàng.
Trong khi đó, cô bé giúp việc ở nhà chị thì lại khác. Chẳng biết đầu tư chứng khoán như chị, cũng không có nổi chứng minh thư nhân dân để gửi tiền ngân hàng, cô bé nhờ cô chú mua hộ mấy chỉ vàng để giữ tiền.
Thời điểm đó, giá vàng mới có 25 triệu đồng, cô bé giúp việc còn xin tạm ứng trước lương của cả năm để nhờ mua vàng và nhờ cô chú giữ hộ. “Hóa ra, hai vợ chồng học nhiều, biết rộng chẳng ngon bằng con bé giúp việc”, chị Lê than thở.
Chiều 9/11, tại một công ty chứng khoán nhỏ ở Hà Nội, các thành viên hội đồng quản trị cũng ngồi họp nhưng chủ yếu là tán chuyện về vàng. Thị trường lình xình một thời gian dài, khách hàng giao dịch ít, các chiến lược, sách lược đưa ra thường kém tác dụng nên hội đồng quản trị cũng chẩng mấy hào hứng.
Vị phó chủ tịch hội đồng quản trị của công ty này than thở: “Mình cứ nghĩ là có kiến thức cao về tài chính, có trình độ nên máu đầu tư vào công ty chứng khoán và cổ phiếu. Rút cục thì năm nay lại thua xa ‘ông già’ nhà mình”.
Khác với ông con đi du học ở nước ngoài ngành tài chính từ đại học cho đến cao học, bố của vị phó chủ tịch không thích cổ phiếu cũng chẳng thích nhà đất mà chỉ thích vàng.
Trong 2 năm gần đây, tiền mà người con biếu bố khi thắng những phi vụ đầu tư lớn, ông này toàn mua vàng dù được con khuyên nên mua đất đai hoặc cổ phiếu.
Ông tâm sự: “Tôi chẳng hiểu mấy thứ đó, mua vàng cho chắc ăn”. Cũng chính vì thế, trong khi người con đang khốn khổ với “chứng” thì ông bố rung đùi với khoản lợi nhuận tới hơn 30% nhờ mua vàng.
Trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tại Sài Gòn than thở: “Nhìn giá vàng lên mà rầu cả ruột. Giờ thì chẳng có tiền để mua vàng và nợ đầm đìa vì cổ phiếu. Trước mình cứ chê mấy ông mua vàng là hâm, giờ nghĩ lại chẳng biết là ai hâm”.


Phá sản, giám đốc đi làm thuê, làm vườn

Kinh tế khó khăn, nhiều công ty rơi vào cảnh phá sản. Giám đốc đi làm thuê, làm mướn, thậm chí có người về quê làm ruộng.
Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, anh Nguyễn Vinh Quang (Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngồi ăn vội bát cơm khi bộ quần áo công trường còn dính đầy bùn đất. Ăn xong, anh nhanh chóng tắm giặt đi ngủ để sáng mai còn đi làm sớm.

Cách đây 3 tháng, anh còn hãnh diện là giám đốc công ty xây dựng với hơn 20 công nhân. Thế nhưng, thời buổi khó khăn, công ty bị phá sản. Vị giám đốc hôm nào lại quay trở về cảnh đi làm thuê.

Anh Quang kể, ba năm trước, vợ chồng anh gom góp tiền mua máy cẩu để nhận phần việc của công ty xây dựng. Công việc dần dà tốt lên, anh thành lập công ty TNHH chuyên nhận việc san lấp công trình và thi công một số hạng mục. Cuối năm 2012, làm ăn khó khăn, 20 công nhân công ty rút xuống còn 10. Rồi các công ty lớn nợ tiền không trả, không có việc, hết tiền trả lương cho công nhân nên cách đây 3 tháng, anh buộc phải tuyên bố phá sản. Bán hết các trang thiết bị của công ty, anh cũng chưa trả hết nợ. Bây giờ, anh Quang lại đi công trường làm giám sát cho người bạn.

Tình trạng bỏ công ty đi làm thuê như anh Quang khá nhiều. Anh Bùi Tiến Minh (nguyên giám đốc một văn phòng luật đặt trụ sở tại phố Trần Duy Hưng) cũng phải đóng cửa công ty gia đình, hai vợ chồng đi xin việc làm. Văn phòng luật của anh Minh gồm một giám đốc và bốn nhân viên. Vợ anh cũng làm hành chính tại công ty. Tuy nhiên, từ sau Tết, anh quyết định đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc và hai vợ chồng đi làm thuê.
"Các hợp đồng giao dịch, các đối tác thưa dần từ giữa năm 2012. Mình phải thuê mặt bằng mất 10 triệu đồng/tháng cộng với tiền lương của nhân viên. Để duy trì được, mỗi tháng mình phải kiếm được tối thiểu 40 triệu đồng. Trước đây, văn phòng hay giúp các công ty làm thủ tục hành chính với mức giá hợp lý. Nay khó khăn, công ty nào cũng thắt chặt chi tiêu, các hợp đồng đều tính toán chi phí thấp nhất. Nhiều lúc họ làm bên mình, nhưng có chỗ khác rẻ hơn thì lại chuyển. Việc ít, tiền không có, chi phí mỗi tháng quá lớn nên mình bỏ công ty đi làm nhân viên cho một văn phòng luật khác. Còn vợ cũng vừa xin làm nhân viên hành chính ở một công ty liên quan tới in ấn từ đầu tháng 4", anh Minh rầu rĩ.

Người dân ở Quảng Châu, Hưng Yên, ai cũng biết chuyện đôi vợ chồng giám đốc về làm vườn.

5h sáng, chuông đồng hồ reo, anh Trần Văn Đảm gọi vợ dậy chuẩn bị ăn sáng rồi ra vườn. 6h anh chị có mặt ở mảnh vườn cam canh diện tích 500m2. Mang bộ quần áo lao động, đội trên đầu mũ cối, anh cầm kéo đi tỉa cành cây sâu. Chị Lan - vợ anh, buộc chặt mái tóc xoăn nhuộm màu hạt dẻ, mặc áo chống nắng và mang liềm đi cắt cỏ ở vườn.

Trước đây, anh Đảm có công ty chuyên phân phối gạch xây dựng đặt tại phố Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. 5 năm làm việc tại Thủ đô, anh mở được công ty riêng. Vợ anh tốt nghiệp đại học tài chính, ra trường cũng về làm việc cùng chồng. Việc không may xảy đến với gia đình khiến công ty phá sản. Vợ chồng anh chán nản quyết tìm con đường khác đó là quay về làm nông dân.

Anh Đảm chia sẻ: "Thông qua một người quen, tôi nhận phân phối toàn bộ gạch xây dựng cho công trình lớn từ 2 năm trước. Vốn bỏ ra cũng lớn nhưng công ty đó nợ lại lâu quá. Và đến đầu năm 2012 họ tuyên bố phá sản. Số tiền mấy tỷ đồng của công ty có khả năng không đòi được. Hàng bán chậm, tiền vay nợ lãi. Tôi thấy việc duy trì công ty sẽ rất nguy hiểm".

"Trước đây, khi có tiền, hai vợ chồng cũng có mua được mấy mảnh vườn ở quê, tính để cuối tuần đưa con cái về chơi. Nhưng giờ công ty đóng cửa, đi làm thuê thì không biết làm gì nên chúng tôi quyết định về quê trồng trọt", anh nói.

Lau những giọt mồ hôi trên mặt, chị Lan vợ anh Đảm cho hay: "Từ bé tới giờ, mình chưa bao giờ làm ruộng. Cuộc sống xô đẩy nên phải cố thôi. Nhiều người ở quê trồng cam, táo mỗi năm thu được vài trăm triệu đồng. Hy vọng sau 1-2 năm, trời thương, vườn cây ra hoa kết trái thì vợ chồng mình cũng khấm khá hơn".



Điêu đứng vì mua nhà bằng vàng 
'dính' quy hoạch
Điêu đứng vì mua nhà bằng vàng 'dính' quy hoạch
Mua nhà bằng vàng, giữ lại 15-20 lượng chờ sổ đỏ, nay 37 hộ dân khu 97 Kha Vạn Cân (TP HCM) khóc dở khi giá vàng "sốt", nợ cũ tăng gấp 8 lần. Quy hoạch thay đổi, họ chỉ được tái định cư bằng nền đất, nhà phải tự xây.
Chuyện bắt đầu từ năm 2000, người dân bỏ ra gần 100 lượng vàng mua nhà ở khu 97 Kha Vạn Cân. Chủ đầu tư là Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1 cam kết dự án được quy hoạch ổn định lâu dài. Thế nhưng, năm 2006, khu này "dính" quy hoạch dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Năm 2010, dân được thông báo khoản đền bù quy ra hiện kim chỉ bằng 1/3 số vàng mua nhà ban đầu. Nếu bàn giao mặt bằng, mỗi hộ được tái định cư bằng nền đất tại khu 7/4A Kha Vạn Cân. Người dân lâm vào cảnh vừa mang nợ vàng vừa đủ tiền xây nhà tái định cư.
Chủ hộ 272 Kha Vạn Cân thuộc Khu dân cư 97, cho biết, cách đây 10 năm, ông mua căn nhà này với giá 102 cây vàng SJC từ Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1. Đến nay ông vẫn còn nợ công ty này 12 cây vàng, khi nào bàn giao sổ đỏ sẽ chồng hiện kim. Trong hợp đồng, bên bán cam kết quy hoạch khu này ổn định lâu dài. Song, năm 2005 thành phố công bố khu này nằm trong dự án quy hoạch tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, gia đình ông lâm cảnh đứng ngồi không yên.
Tháng 8/2010, quận Thủ Đức gửi thông báo cho ông mức đền bù 1,25 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 35 cây vàng SJC. "Với số tiền đền bù này cấn trừ vào khoản nợ 12 cây vàng, tôi chỉ còn 23 lượng để lo tái định cư bằng nền đất. Gia đình sẽ lấy tiền đâu để xây nhà?", chủ hộ 272 Kha Vạn Cân bộc bạch.
Còn ông Bình, một hộ dân trong khu 97 Kha Vạn Cân cho hay, theo hợp đồng, ông còn nợ Công ty phát triển và dịch vụ nhà quận 1 đến 15 cây vàng, chờ bàn giao sổ đỏ thì tất toán. Nếu tính giá vàng hiện nay hơn 37,5 triệu đồng một lượng thì tổng số tiền nợ khoảng 600 triệu đồng. Thế nhưng bài toán gỡ mãi không ra là nếu giao mặt bằng, ông mất hẳn căn nhà, chỉ được nhận nền đất, lại phải trả một khoản nợ 600 triệu đồng mà không biết lấy đâu ra tiền để xây nhà. "Tái định cư như thế này thì cuộc sống vô cùng bấp bênh và khó khăn", ông Bình nói.
Không khá hơn là bao, chủ hộ 292/13 Kha Vạn Cân kể khổ, cách đây 10 năm, vợ chồng bà mua căn hộ này với giá 95 cây vàng SJC sau nhiều phen vay mượn tứ bề. Nay lại vướng phải việc giải tỏa di dời, bà được thông báo tiền đền bù khoảng 900 triệu đồng (tương đương 25 cây vàng), tái định cư bằng nền đất, tự xây dựng nhà. "Tôi lấy đâu ra tiền xây nhà để cùng các con sinh sống trong khi còn phải trả khoản nợ bằng vàng để nhận sổ đỏ tất toán hợp đồng?", bà nói.
Ông Cao Văn Long, chủ căn nhà 280 Kha Vạn Cân cũng rất bức xúc. Tháng 7/2000, ông mua căn nhà này giá 120 cây vàng SJC với mục đích ở lâu dài để an dưỡng lúc tuổi già. Khi mua, Công ty Dịch vụ và Phát triển nhà Quận 1 cam đoan là khu nhà 97 không bị giải tỏa và có đủ giấy tờ pháp lý do đã được Thành phố phê duyệt quy hoạch. Thế nhưng vì thay đổi quy hoạch, số tiền đền bù cho ông chỉ 1,2 tỷ đồng, chưa đến 35 cây vàng. "Nay giải tỏa sang khu đất tái định cư, xa hơn, tôi vẫn đồng ý. Nhưng số tiền đền bù quá thấp và không đủ để tôi có thể xây dựng một căn nhà như hiện tại", ông Long giãi bày.
Ở cái tuổi gần 70, sống nhờ lương hưu, ông Sinh, chủ hộ 292/11 Kha Vạn Cân lâm trọng bệnh khi nhận thông báo phải di dời. Ông cho biết: "Tôi khẩn thiết đề nghị UBND Thành phố xem xét và tạo điều kiện để chúng tôi có đủ tiền xây dựng nhà mới trên nền tái định cư tại khu đất 7/4A Kha Vạn Cân".
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện UBND quận Thủ Đức, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức, Võ Văn Tiến cho biết: "Vấn đề này vượt thẩm quyền của quận, chính quyền địa phương đã chuyển kiến nghị của người dân đến Sở Xây dựng và UBND TP HCM".
Đối với khả năng người dân tái định cư không thành vì thiếu hụt tiền xây nhà, đại diện quận Thủ Đức cho hay, nếu trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn thì người dân tiếp tục kiến nghị để được xem xét giải quyết các bước tiếp theo.
Trong văn bản trình UBND TP HCM ngày 8/12/2010 về giải quyết bồi thường khu nhà ở 97 Kha Vạn Cân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Tấn Bền cho rằng, giá đền bù phải áp dụng chung cho toàn dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài để tránh ảnh hưởng dắt dây. Về vật kiến trúc, UBND quận Thủ Đức không có cơ sở để chi trả bằng vàng quy đổi.
Theo quan điểm của Sở Xây dựng TP HCM, tranh chấp giữa Công ty phát triển và dịch vụ nhà quận 1 với các hộ dân giải quyết theo hợp đồng, cơ quan Nhà nước không tham gia vào nội dung này. Trong trường hợp không thống nhất được hướng giải quyết, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án.


Đại gia sau biến động: Kẻ mất trắng, người lay lắt


Sau cơn biến động kinh tế, nhiều đại gia đã hứng chịu những thay đổi lớn trong cuộc đời mà họ không ngờ đến.
Có những người mất trăng phải trốn ra nước ngoài, vào tù; người may mắn hơn vẫn tồn tại nhưng lay lắt chờ qua ngày.
Trốn chạy và vào tù
Tuần qua, đại gia một thời thủy sản Phương Nam - Sóc Trăng đã có giấy phép kinh doanh mới sau hơn nửa năm sóng gió dữ dội, đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi được các NH, cổ đông tái cấu trúc, số nợ của doanh nghiệp đã giảm đáng kể; công ty tuyển thêm lao động; được các ngân hàng tạm ngưng tính lãi 3 năm và khoanh, giãn nợ từ 3-5 năm… và cam kết cho vay thêm vốn mới, Phương Nam sẽ có tiền để hoạt động.
Một DN và thương hiệu thủy sản được giữ lại nhưng ông chủ của nó thì đã không được may mắn thế. Ông Lâm Ngọc Khuân đã trốn ra nước ngoài với lsy do chữa bênh không thể xoay sở, bỏ mặc khoản nợ nần lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.
Không chỉ bỏ lại DN với số nợ ngàn tỷ, ông Khuân và cả gia đình bỏ lại toàn bộ gia sản lớn của minhf để trốn. Trong đó có cả dinh cơ nổi tiếng to đẹp như tòa lâu đài bị các ngân hàng thu hồi kinh doanh khách sạn để trừ nợ. Đại gia đình đám một thời đã không còn dấu ấn nào trên vùng đất mình đã thành danh.
Cùng thời điểm rơi vào khó khăn như Phương Nam vào cuối năm 2012, một đại gia thép ở Hải Phòng là Công ty Cổ phần Công nghiệp - Thương mại Thái Sơn - một doanh nghiệp top DN tư nhân lớn nhất của Việt Nam, đã phải bán mình với giá chỉ 1 USD.
Vụ mua bán nói trên là chưa từng có và nó đánh dấu sự sụp đổ của một đại gia lừng danh đất cảng. Ngay sau đó, cả hai bố con ông Chủ tịch Thái Sơn là Phạm Văn Thụ bị bắt tạm giam do liên quan đến các khoản nợ xấu hơn 1.300 tỉ đồng.
Thái Sơn vốn là DN xuất khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng, là một DN tư lớn hàng đầu ở Việt Nam nhưng lại sụp đổ quá nhanh và không còn khả năng thanh toán, được bán như cho. Sự suy sụp của doanh nghiệp này bắt đầu đúng từ thời điểm nền kinh tế trong nước cũng như thế rơi vào cuộc khủng hoảng năm 2008, khi mà giá sắt thép giảm gần một nửa.
Thái Sơn đã thua lỗ lớn từ việc nhập lượng lớn thép cũng như nhiều quyết định đầu tư dàn trải hàng trăm tỷ đồng và việc lãi suất ngân hàng dân lên quá nhanh trong khi doanh nghiệp tồn kho lớn.
Trong hàng loạt những câu chuyện biến động này không thể đến loạt doanh nhân liên quan đến ACB bị khởi tố và bắt giảm. Đình đám nhất là địa gia Nguyễn Đức Kiên, sau đó là CEO ngân hàng kỳ cựu Lý Xuân Hải cũng bị bắt. Chủ tịch ACB – Nguyên bộ trưởng Trần Xuân Giá cũng bị khởi tố. Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng này cũng bị liên đới.
Sống lay lắt
Thống kê của VCCI hồi đầu tháng 5/2013 cho thấy, trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh với 700.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng hiện tại không còn nhiều trong số đó trụ lại được. Số còn hoạt động tính tới đầu năm 2013 chỉ còn khoảng 300.000, tức khoảng một nửa đã “ra đi”.
Đó là chưa kể tới một số lượng lớn doanh nghiệp đã chết nhưng đang vật vã sống một cách lay lắt khi NH treo khoản nợ ngàn tỷ. Tập đoàn Thái Hòa (THV) của ông Nguyễn Văn An là một trường hợp tồn tại mong manh như vậy. Trong mấy năm gần đây, THV luôn ở trong tình trạng kém thanh khoản, thiếu hụt vốn lưu động (gần đây lên tới trên 700 tỷ đồng) và đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, có thể sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trong thời gian tới.
Trong hơn một năm qua, theo đại diện THV, doanh nghiệp này liên tục làm việc với các NH để tái cơ cấu nợ, chuyển từ nợ ngắn hạn sang dài hạn cùng với các kế hoạch phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi…
Tuy nhiên, cho tới nay DN vẫn đang ngụp lặn trong bùn lầy, chưa thoát lên được. Các kế hoạch hợp tác với đầu tư Haverstock Master Fund để tăng vốn; kế hoạch bán cho đối tác chiến lược với giá thấp hơn mệnh giá… đều đã chìm vào quên lãng.
Điều mà nhiều nhà đầu tư nhìn thấy bây giờ là THV đã âm vốn chủ sở hữu, giá cố phiếu xuống dưới 1.000 đồng và mọi hoạt động gần như ngưng trệ.
Trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội - Hanic (SHN) cũng vậy. Doanh nghiệp này gần tê liệt khi BĐS đóng băng và SHN “ăn quả lừa” vài trăm tỷ đồng, cho tới giờ vẫn chưa đòi hết được.
Gần đây, Hanic cho biết đã dừng triển khai dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy và đang có kế hoạch thoái hết phần vốn góp tại dự án này và một số dự án khác (như mỏ chì kẽm tại Thanh Hóa, dự án Thủy điện ĐăkPru Hanic…) do khó khăn về tài chính. Trong năm 2012, SHN luôn trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động và lỗ hơn 127 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, hàng loạt các DN trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn một phần là do kinh tế suy thoái khiến các thị trường trong và ngoài nước co lại, một phần do thiếu vốn khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, một phần do lãi suất cao khiến doanh nghiệp thua lỗ…
Rất nhiều doanh nghiệp trong cả những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế đã chết yểu, thua lỗ, hoạt động cầm chừng… Có nhiều DN có thương hiệu lớn, lịch sử hoạt động lâu đời cũng đã không thoát khỏi cơn hoạn nạn. Tuy nhiên, thị trường đôi khi cũng cần sự chấp nhận, sự đánh đổi và trả giá của những hành động sai lầm.

Bí quyết làm giàu của một tỷ phú Trung Quốc

Shaun Rein, người sáng lập hãng nghiên cứu thị trường Trung Quốc, từng có cơ hội tiếp cận một tỷ phú Trung Quốc. Anh gọi tỷ phú đó là ông Chen, chỉ đơn giản như vậy. Nhưng những lần chuyện trò với ông Chen, đã mang lại cho Rein những bài học đáng quý. Và giờ đây, anh muốn chia sẻ lại với bạn đọc những kinh nghiệm này, thông qua bài viết đăng trên tờ Forbes.

Trong suốt thập kỷ qua, số lượng tỷ phú ở Trung Quốc tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Hiện tại quốc gia này có ít nhất 79 tỷ phú. Những người giàu ở Trung Quốc đã góp 15% vào tăng trưởng hàng năm của thị trường hàng hóa xa xỉ ở quốc gia này, đưa doanh số những mặt hàng này lên 9 tỷ USD/năm và giúp Trung Quốc trở thành thị trường hàng hóa cao cấp lớn thứ 2 trên thế giới.

Ở đất nước này, bạn có thể phải chờ một năm để mua được một chiếc Ferrari mới. Porsche đã công bố dòng xe Panamera tại thị trường Trung Quốc, trước khi ra mắt sản phẩm này ở Mỹ. Người ta dễ dàng bắt gặp hàng dài người xếp hàng chờ đợi bên ngoài các cửa hàng của Louis Vuitton và Hermès.

Ai là những người siêu giàu tại Trung Quốc? Họ trông như thế nào? Làm cách nào mà họ lại trở nên giàu có như vậy?

Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, tôi đã nói chuyện với khoảng hơn 10 tỷ phú Trung Quốc. Một số trong đó đã kiếm tiền bằng cách niêm yết cổ phiếu công ty Internet của họ trên thị trường Mỹ, số khác lại đầu tư vào địa ốc hay đồ uống.

Không giống như phần lớn tỷ phú Mỹ ngày nay, chẳng hạn như nhà Rockefellers hay nhà Waltons - chủ nhân chuỗi siêu thị bán lẻ Wal-Mart, hầu hết tỷ phú Trung Quốc là tỷ phú tự thân. Một nửa trong số 14 nữ tỷ phú tự thân trên thế giới là người Trung Quốc. Tất cả họ đều đã vượt qua khó khăn cùng thất bại, và đều rất lạc quan về tương lai của Trung Quốc.

Một tỷ phú Trung Quốc có thế lực trong lĩnh vực bất động sản, đã tiếp xúc với tôi hơn chục lần trong 5 năm để chia sẻ những bài học của ông về sự thành công trong kinh doanh. Đôi khi, chúng tôi gặp nhau tại tư dinh lộng lẫy của ông ở Bắc Kinh, hoặc có khi ở căn hộ nhỏ bé của tôi ở Thượng Hải.

Chúng tôi cùng ăn sò trên một bãi biển ở Australia, cũng có lần, chúng tôi tới cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald để thưởng thức đồ rán kiểu Pháp. Tôi thích dành thời gian đi cùng ông, chỉ vì tôi có thể hưởng thụ cuộc sống của một tỷ phú trong chốc lát, và cũng còn bởi, đó là cơ hội giúp tôi tìm hiểu tại sao ông lại thành công đến như vậy. Ông đã cho tôi những bài học thực tế, chứ không phải đưa ra những lời nói suông.

Tuy vậy, tôi phải tuân thủ một điều kiện trong các cuộc đối thoại giữa chúng tôi, cũng như những gì tôi viết về ông. Tôi buộc phải giữ kín danh tính của ông. Vì thế tôi sẽ gọi ông là ông Chen. Cũng như nhiều tỷ phú Trung Quốc khác, ông Chen muốn tránh sự chú ý, bởi ông không muốn gặp phải những chuyện rắc rối.

Có thể bạn sẽ cho rằng, ông ấy đã thổi phồng sự lo lắng, nhưng sự thực là 70 người từng xuất hiện trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc (bảng xếp hạng của tạp chí Hồ Nhuận được coi là một dạng Forbes của Trung Quốc – ND) trong thập kỷ qua đều ít nhiều đã gặp những chuyện không hay. Thi thoảng, những người giàu ở Trung Quốc còn đùa nhau rằng, bảng xếp hạng đó là “Danh sách tử thần”.

Tin ở chính mình

Bài học đầu tiên của ông Chen là tin rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, và điều duy nhất có thể ngăn cản bạn là chính bản thân bạn. Ông không bao giờ ngừng tin rằng ông sẽ có thể tự làm nên được điều gì.

Vốn là con trai một gia đình nông dân nghèo khó, không có bất cứ một mối liên hệ nào với giới có chức có quyền, ông đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Ông đã bỏ học từ khi còn nhỏ, vì gia đình ông không có tiền.

Cho dù vậy, ông vẫn tin tưởng vào khả năng của chính mình và không ngừng phấn đấu. Không có gia đình quyền thế chống lưng, ông đã phải vay tiền với lãi suất cao gấp 5 lần so với những đối thủ có lợi thế quan hệ.

Ông phải chấp nhận làm những dự án nhỏ không ai thèm và chấp nhận sự nhạo báng hay khinh thường của những người khác. Dần dần, qua thời gian, ông trở nên nổi tiếng với tính nói là làm và các dự án của ông ngày một lớn dần, lớn dần.

Hiện ông đang chi trả toàn bộ tiền thực phẩm, chi phí y tế và sinh hoạt hàng ngày cho hơn 80 thành viên trong đại gia đình của ông. Mỗi năm ông quyên góp hàng triệu USD để giúp đỡ xây dựng trường học ở các vùng nông thôn.

Ông cũng thường cùng con cái của mình tới bệnh viện và trả tiền thuốc men cho những bệnh nhân không có bảo hiểm y tế. Nhưng trước khi ông có thể làm được những điều này, ông đã phải nhẫn nhục sống hàng chục năm, khuất mắt trông coi những sự coi khinh của lớp người giàu có, được hưởng nền giáo dục tốt hơn ông.

Phải biết nhún nhường

Bài học thứ hai ông Chen dạy cho tôi là, để đạt được điều mà bạn muốn, bạn cần phải biết tôn trọng tất cả mọi người, thậm chí đôi khi phải biết nhún nhường. Một thập niên trước, khi hầu hết người dân Trung Quốc còn nghèo khó, muốn được xếp vào danh sách người giàu Trung Quốc chỉ cần chưa tới 10 triệu USD. Nhưng năm ngoái, điều kiện này đã tăng lên tới 120 triệu USD.

Số người giàu đang tăng trưởng rất nhanh chóng. Theo ông Chen, hôm nay bạn có thể là một anh hầu bàn, nhưng ngày mai bạn đã có thể trở thành một ông chủ tập đoàn thực phẩm và đồ uống. Vì thế, bạn nên tôn trọng tất cả mọi người, nếu không có ngày thái độ hôm qua của bạn có thể làm hại chính bạn hôm nay. Gần như tất cả mọi người ở Trung Quốc đều biết ai ngày xưa từng chăn lợn và bây giờ lái xe Mercedes hay mua đồ trang sức Tiffany.

Tích tiểu thành đại

Cuối cùng, ông Chen tin vào việc phân chia của cải. Ông luôn để cho các đối tác kinh doanh được hưởng nhiều hơn ông, để lần sau khi họ có thương vụ tốt, họ sẽ nghĩ tới việc hợp tác với ông trước tiên. Ông cho rằng, việc hợp tác kiểu “ăn xổi” là không có giá trị.

Ông nói đúng. Trong những lần tiếp xúc với ông, tôi đã từng gặp nhiều đối tác của ông với những dự án trên khắp đất nước Trung Quốc. Tôi đã hỏi một số người rằng, tại sao họ lại hợp tác với ông, chứ không phải với người khác, và tất cả đều nói rằng, bởi vì họ biết ông sẽ nhận miếng bánh nhỏ hơn. Nhưng, nhiều miếng bánh nhỏ góp lại sẽ trở thành một túi bánh to.

Ông Chen tin việc chia sẻ tài sản cũng có ý nghĩa đảm bảo điều kiện làm việc tốt cho người lao động bình thường, và giúp những người chăm chỉ nhất có cơ hội trở nên giàu có. Ông không ủng hộ sự bất bình đẳng trong việc phân chia lương thưởng. Và ông cho rằng, các công ty như Apple và Dell cần cải thiện các điều kiện làm việc.

Ông Chen đã xây dựng nên khối tài sản bằng lòng quyết tâm và sự uy tín. Ông cho rằng, mọi người cũng nên làm như thế. Ông từng nói với tôi rằng, “nếu tôi có thể làm được điều đó với chút kinh nghiệm ít ỏi như vậy, thì những người khác đều có thể làm được như vậy”.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bí kíp đầu tư chứng khoán

CÁC CHỈ SỐ CƠ BẢN(FA)  VÀ PHÂN TÍCH KỸ THUẬT(TA) Ý NGHĨA CÁC CHỈ SỐ EPS & P/E EPS và P/E có ý nghĩa thế nào trong đầu tư? Tôi muốn biết P/E và EPS là chữ viết tắt của thuật ngữ gì, và các thuật ngữ này có ý nghĩa như thế nào trong đầu tư chứng khoán. Trả lời: EPS (Earning Per Share) là lợi nhuận (thu nhập) trên mỗi cổ phiếu. Đây là phần lợi nhuận mà công ty phân bổ cho mỗi cổ phần thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp, được tính bởi công thức: EPS = (Thu nhập ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / lượng cổ phiếu bình quân đang lưu thông. Trong việc tính toán EPS, sẽ chính xác hơn nếu sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ để tính toán vì lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên trên thực tế người ta thường hay đơn giản hoá việc tính toán bằng cách sử dụng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm cuối kỳ. Có thể làm giảm EPS dựa trên công thức c

Nhà đẹp

  Các mẫu nhà ở thiết kế với diện tích xây dựng nhỏ tối thiểu trên thửa đất, chú trọng việc nâng cao chất lượng vật liệu, tiện nghi thiết bị sinh hoạt lên tối đa,  bố trí công năng khoa học, hợp lý,  đảm bảo tính thẩm mỹ,  mang đến một không gian sống tiện nghi và thoải mái nhất  cũng như thỏa mãn mọi nhu cầu  của gia chủ.  Hãy tham khảo các mẫu dưới đây để có thêm ý tưởng thiết kế cho riêng bạn nhé! -------------------------------------------------------------------------------------- -------------------------------------------------------------------- ------------------------------------------------------------------------------------- --------------------------------------------------------------------------------------- - Độ bền của gác xép được quyết định bởi sự vững chắc của hệ khung dầm, nơi chịu lực nhiều nhất đó chính là tường nhà chứ không phải hệ thống cột. Do đó khi thi công cần phải đảm bảo chất lượng của tường nhà và nên d ùng các tấm xi măng nhẹ cemboard để giảm áp lực l

TIẾNG ANH PHÒNG GYM